Lượt xem: 325

Chú trọng công tác quản lý cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp

Bên cạnh những tác hại khó lường về môi trường hay sức khỏe, việc sử dụng vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng còn gây ảnh hưởng lớn đến nhu cầu xuất khẩu của các mặt hàng nông, lâm, thủy sản. Nhận thức rõ điều này, thời gian qua, công tác quản lý các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp được Thanh ra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng xác định là nhiệm vụ quan trọng và được quan tâm thực hiện tốt nhằm hạn chế thấp nhất “rủi ro” có thể xảy ra đối với nông dân tỉnh nhà trong suốt quá trình sản xuất.

 


Đoàn kiểm tra tiến hành lấy mẫu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để phân tích và giám định chất lượng

 

    Ngoài cây trồng chủ lực là lúa, lĩnh vực trồng trọt của tỉnh đã và đang có bước phát triển mạnh mẽ với đa dạng các nhóm cây trồng được canh tác theo hình thức xen canh, luân canh. Các cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo đó cũng phát triển nhanh tại nhiều địa phương để đáp ứng nhu cầu. Thực hiện nhiệm vụ chuyên ngành, lực lượng Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh thường xuyên tổ chức kiểm tra đột xuất các cơ sở về nhiều nội dung, từ hồ sơ, giấy phép đăng ký kinh doanh, tài liệu về quản lý chất lượng, tiêu chuẩn, quy chuẩn và ghi nhãn hàng hóa đang áp dụng trên các sản phẩm vật tư nông nghiệp; đến kiểm tra về hiện trạng điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ kinh doanh. Tại mỗi điểm kiểm tra, đoàn liên ngành cũng đã tiến hành lấy mẫu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để phân tích và giám định chất lượng. Giám đốc Hồng Tân Thanh - Công ty TNHH vật tư nông nghiệp Liên Quân, tại huyện Kế Sách cho biết: “Khi các đơn vị đến kiểm tra thì mình xuất trình đầy đủ các giấy tờ, khi họ có yêu cầu gì khác như lấy mẫu phân tích thì mình cũng phối hợp tốt. Trường hợp có những thiếu sót được bên thanh tra Sở nhắc nhở thì mình cũng cố gắng khắc phục để kinh doanh được tốt hơn”.

    Bên cạnh vật tư ở lĩnh vực trồng trọt, các mặt hàng như thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi trên thị trường hiện nay cũng rất đa dạng và nhiều chủng loại. Vì vậy, việc thanh, kiểm tra những cơ sở kinh doanh các sản phẩm vật tư phục vụ cho chăn nuôi cũng được thanh tra Sở thực hiện thường xuyên nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm về hành vi kinh doanh, như mua bán sản phẩm giả, kém chất lượng, nằm ngoài danh mục lưu hành,… Nhờ vậy, ý thức kinh doanh của các cơ sở đã có nhiều chuyển biến rõ rệt. Hầu hết các đại lý, cửa hàng đều thực hiện tốt việc ghi chép xuất xứ, nguồn gốc sản phẩm và quá trình xuất, nhập hàng; đồng thời, cam kết không trưng bày, kinh doanh các sản phẩm nằm ngoài doanh mục cho phép. Chủ cửa hàng kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi Trọng Pháp - Hà Thị Bích Liên, ở huyện Kế Sách cho biết: “Tại cửa hàng hiện kinh doanh trên 500 sản phẩm, có cả công ty nội và công ty ngoại, đa số là các mặt hàng phục vụ cho chăn nuôi, thú y. Trong quá trình kinh doanh, đại lý luôn chấp hành tốt các quy định của nhà nước, những sản phẩm nào được lưu hành và được cấp phép thì đại lý mới nhập về bán. Khi mình nhập hàng cũng có chứng từ, hóa đơn đầy đủ, đảm bảo tất cả đều hợp lệ”.

    Toàn tỉnh Sóc Trăng hiện có khoảng 1.500 đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp thuộc tại các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Tính từ đầu năm đến nay, ngoài phối hợp tốt trong công tác liên ngành, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã thành lập 13 đoàn tiến hành kiểm tra việc kinh doanh của các cơ sở vật tư nông nghiệp tại nhiều địa phương trong tỉnh, đã thu được 15 mẫu thử nghiệm và phát hiện được 30% mẫu sản phẩm có chất lượng kém. Theo đó, Thanh tra Sở đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 100 cơ sở với số tiền trên 700 triệu đồng. Đồng chí Trần Thiện Hiến - Chánh thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng thông tin: “Trong thời gian tới yêu cầu các chi cục trực thuộc Sở thường xuyên cập nhập, tuyên truyền, vận động các đại lý cũng như các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất vật tư nông nghiệp phải am hiểu về những sản phẩm có uy tín và chất lượng để bán ra thị trường cho nông dân, làm sao vừa giảm giá bán vừa có chất lượng để nông dân sản xuất hiệu quả. Đồng thời, kết hợp với các đơn vị có liên quan như Ban Chỉ đạo 389, Cục Quản lý thị trường cũng như Cảnh sát Kinh tế và những đơn vị khác có liên quan nhằm hạn chế sự chòng chéo trong công tác kiểm tra, kiểm soát. Mục đích là để thống nhất với nhau là trong một năm mỗi đơn vị chỉ kiểm tra 1 đại lý, không kiểm tra nhiều theo đúng quy định của nhà nước”.

    Sóc Trăng là tỉnh có thế mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp với gần 70% dân số có sinh kế phục thuộc. Công tác quản lý trong kinh doanh vật tư nông nghiệp nếu không được thực hiện chặt chẽ sẽ phát sinh nhiều hệ lụy, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất của người dân cũng như chất lượng nông sản của tỉnh. Mặc dù đã có những văn bản xử phạt cụ thể, nhưng vì lợi nhuận, việc kinh doanh các vật tư đầu vào kém chất lượng, không rõ nguồn gốc trong chăn nuôi, trồng trọt trên thị trường vẫn còn tiếp diễn và khó kiểm soát. Do đó, bên cạnh công tác quản lý từ cơ quan chuyên môn, bà con nông dân cũng cần có sự cẩn trọng hơn trong việc tìm mua những vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp khi có nhu cầu.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 80
  • Hôm nay: 7641
  • Trong tuần: 78,348
  • Tất cả: 11,801,668